Lưu ý! Nội dung này liên quan đến Clipchamp dành cho tài khoản cá nhân. Hãy dùng thử liên kết này nếu bạn đang tìm thông tin về Clipchamp cho tài khoản công việc.
Trên trang này
Việc ứng tuyển vào một công việc trong thị trường hiện nay cạnh tranh hơn bao giờ hết. 75% sơ yếu lý lịch không bao giờ được đọc bởi con người, mà thay vào đó, chúng được quét bởi một hệ thống theo dõi ứng viên (ATS). Thuật toán này phân tích hồ sơ của bạn và xếp hạng mức độ phù hợp cho cuộc phỏng vấn dựa trên các dữ liệu quan trọng như bằng cấp, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc. Thật khó để nổi bật trong bối cảnh đó. Đó là lý do tại sao nhiều người tìm việc lại đưa video sơ yếu lí lịch vào đơn ứng tuyển.
Video sơ yếu lí lịch giúp bạn có thêm nhiều cơ hội trở thành một ứng viên đáng nhớ. Nó ngay lập tức thể hiện được cá tính của bạn với đội ngũ tuyển dụng và thể hiện kỹ năng giao tiếp cũng như khả năng sáng tạo. Bạn không cần phải là người tìm việc mới có thể hưởng lợi từ bài viết này. Những chuyên gia đang làm việc cũng có thể chia sẻ video hồ sơ trên LinkedIn để xây dựng thương hiệu cá nhân và trở thành người dẫn dắt tư tưởng.
Trong hướng dẫn này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn tất cả các bước để viết kịch bản cho video sơ yếu lí lịch. Sau khi bạn đã viết kịch bản cho video CV, bạn có thể biến những ý tưởng của mình thành hiện thực với Clipchamp như một công cụ tạo video sơ yếu lí lịch lý tưởng. Đọc tiếp để biết các mẹo viết kịch bản video sơ yếu lí lịch, bao gồm hướng dẫn, mẹo và mẫu video sơ yếu lí lịch.
Kịch bản video sơ yếu lí lịch là gì?
Kịch bản video sơ yếu lí lịch là tài liệu lên kế hoạch cho phiên bản video ngắn từ 1 – 2 phút cho CV chuyên nghiệp của bạn.
Nó không chỉ đơn thuần là hồ sơ bản giấy dưới dạng video. Đó là một sản phẩm chuyên nghiệp như bất kỳ nội dung tiếp thị nào. Bạn đâu chỉ muốn trở thành một người nói đi nói lại từng dòng trong sơ yếu lí lịch bản Word của mình.
Mục tiêu của video sơ yếu lí lịch là thêm giá trị cho hồ sơ bản giấy, chứ không phải cạnh tranh lẫn nhau. Video của bạn nên thu hút và tạo thêm điểm nhấn cá nhân cho đơn ứng tuyển. Bạn cũng có thể sử dụng video để chia sẻ thông tin quan trọng không có trong CV như mục tiêu và câu chuyện cá nhân mà thể hiện được tính cách và độ tin cậy của bạn trong công việc.
Cách lên kế hoạch cho kịch bản video sơ yếu lý lịch
Thu thập những điểm nổi bật trong sự nghiệp của bạn
Khi nghĩ đến nội dung cần đưa vào video sơ yếu lí lịch, hãy coi nó như một thước phim điểm nhấn chuyên nghiệp. Đây nên là bản tập hợp những thành tựu tự hào nhất về mặt chuyên môn và cá nhân của bạn. Bạn có thể đưa vào bất cứ điều gì liên quan đến sự phù hợp của mình với vị trí ứng tuyển, từ những lần thăng chức quan trọng cho đến việc hoàn thành cuộc chạy bán marathon.
Trước khi bắt đầu viết kịch bản, hãy dành thời gian liệt kê tất cả các thành tựu và kỹ năng của bạn. Sau đó, đánh nhãn chúng bằng ngôn ngữ được sử dụng trong ngành. Khi đã hoàn tất danh sách, bạn hãy thu thập tất cả video và hình ảnh làm tư liệu hỗ trợ trực quan.
Chọn đối tượng cho video sơ yếu lý lịch
Đối với video sơ yếu lí lịch được gửi riêng, bạn nên điều chỉnh nội dung cụ thể cho vị trí mà bạn ứng tuyển, giống như cách bạn làm với sơ yếu lí lịch bản giấy. Hãy nghiên cứu công ty, bao gồm cả người phụ trách tuyển dụng và nhà tuyển dụng, cũng như trực tiếp nhắc đến họ trong kịch bản.
Nếu video sơ yếu lí lịch của bạn được đăng trên LinkedIn, hãy giữ tông giọng trung tính và không bị lỗi thời sao cho phù hợp cho đối tượng khán giả rộng hơn.
Đối với các chuyên gia đăng video sơ yếu lí lịch trên trang web hoặc YouTube, khán giả chính là các khách hàng đang xem xét sử dụng dịch vụ của bạn. Hãy xây dựng cấu trúc video sao cho phù hợp.
Chọn định dạng và độ dài video
Người phụ trách tuyển dụng và nhà tuyển dụng phải xử lý rất nhiều đơn ứng tuyển. Vdeo sơ yếu lí lịch của bạn nên ngắn gọn và súc tích, bao hàm những thông tin quan trọng nhất. Độ dài lý tưởng cho video là từ 60 đến 90 giây.
Về định dạng, điều này phụ thuộc vào nền tảng bạn sẽ tải video lên. Hãy sử dụng tỷ lệ 9:16 cho các nền tảng dọc và 16:9 cho các nền tảng ngang.
Chọn một cấu trúc kể chuyện
Có ba phương pháp khác nhau để phát triển kịch bản video sơ yếu lí lịch:
Cấu trúc ba phần: Sắp xếp câu chuyện về sự nghiệp chuyên môn của bạn theo trình tự thời gian. Sử dụng cấu trúc tuyến tính ba phần với quá khứ, hiện tại và tương lai để phát triển video.
Cấu trúc STAR: Sử dụng những giai thoại từ kinh nghiệm chuyên môn của bạn để dẫn dắt nhà tuyển dụng qua các ví dụ tình huống liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển. Đặt những câu chuyện này trong cấu trúc STAR (Tình huống, Nhiệm vụ, Hành động, Kết quả). Đây là định dạng hiệu quả để mô tả một thành công cụ thể trong sự nghiệp và thể hiện cách bạn vượt qua thách thức.
Cấu trúc thuyết trình ngắn (Elevator pitch framework): Thuyết trình ngắn là một phương pháp đã được kiểm chứng nhằm truyền đạt những ý tưởng lớn trong khoảng thời gian ngắn. Tên gọi này xuất phát từ ý tưởng rằng bạn sẽ kể một câu chuyện trong khoảng thời gian ngắn, giống như thời gian một chuyến đi thang máy. Phương pháp này yêu cầu bạn tóm tắt hoặc diễn đạt kỹ năng của mình trong sự nghiệp, với trọng tâm là kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với một vai trò hoặc ngành nghề nhất định.
Sau khi chọn được cấu trúc ưa thích, bạn có thể bắt đầu viết kịch bản cho video sơ yếu lý lịch.
Cách viết kịch bản video sơ yếu lý lịch từ đầu
Bước 1: Viết phần mở đầu/gi ới thiệu
Trong 5-10 giây đầu tiên, bạn muốn thu hút sự chú ý của khán giả đồng thời thiết lập một tông giọng chuyên nghiệp. Hãy coi đây là tiêu đề của video. Giới thiệu bản thân bằng tiêu đề và mô tả tóm tắt về kinh nghiệm chuyên môn cũng như truyền tải thương hiệu cá nhân của bạn. Sử dụng ngôn ngữ chuyên nghiệp nhưng cũng đừng quên thêm các thuật ngữ độc đáo và cá tính để phần giới thiệu trở nên hấp dẫn hơn.
Bước 2: Viết nội dung chính
Chia phần lớn video sơ yếu lí lịch thành các phần dễ hiểu.
Tóm tắt chuyên môn: Nêu rõ mục tiêu nghề nghiệp và điểm mạnh chính liên quan đến vị trí và công ty mà bạn đang ứng tuyển.
Kinh nghiệm làm việc: Cung cấp cái nhìn tổng quan về lịch sử việc làm, đồng thời làm nổi bật các vị trí và thành tích có liên quan nhất trước đây.
Giáo dục: Đưa vào nền tảng học vấn, đặc biệt nếu bạn sở hữu những bằng cấp cụ thể được liệt kê trong mô tả vị trí. Liệt kê các bằng cấp và chứng chỉ, nhưng cũng bao gồm các chuyên ngành, phụ ngành và bất kỳ thành tựu học thuật nào khác liên quan đến công việc.
Kỹ năng: Nêu bật các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm có thể đại diện cho thương hiệu cá nhân và đủ điều kiện cho vai trò này.
Hoạt động tình nguyện: Thể hiện giá trị cộng đồng khi đưa vào bất kỳ công việc từ thiện nào.
Sở thích: Sở thích và đam mê cá nhân của bạn sẽ xây dựng thương hiệu cá nhân và thể hiện sự phù hợp với văn hóa công ty.